Căn nguyên và cách xử trí đau cổ mạn tính
Có rất nhiều tình trạng cột sống gây đau cổ mạn tính. Bài viết sẽ liệt kê những nguyên nhân thường gặp nhất là “thủ phạm” gây ra tình trạng này.
Đau cổ lan xuống tay
Đau lan xuống tay và có thể xuống bàn tay hoặc các ngón tay thì thường do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp lỗ liên hợp gây ép vào rễ thần kinh ở cột sống cổ. Khi không gian giữa các đốt sống của cổ bị giảm, các dây thần kinh phân nhánh ra từ tủy sống sẽ bị chèn ép, dẫn tới những cơn đau cổ.
Kiểu đau này có thể đi kèm với tê hoặc đau nhói ở tay hoặc ở bàn tay. Những triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột và tiến triển qua thời gian.
Hướng điều trị cho thoát vị đĩa đệm cột sống cổ phụ thuộc vào đau kéo dài bao lâu, mức độ đau và mức độ rễ thần kinh hoặc tủy sống bị ảnh hưởng. Đa phần, các triệu chứng này là tạm thời và có thể điều trị thành công bởi các phương pháp điều trị bảo tồn (ví dụ: thuốc, vật lý trị liệu và bấm huyệt).
Nếu đau không đáp ứng trong 6 đến 12 tuần điều trị bảo tồn thì phẫu thuật được khuyên dùng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép rễ thần kinh gây đau lan xuống tay.
Đau liên quan tới những hoạt động hoặc tư thế nhất định
Đau cổ có thể tiến triển từ từ (thường diễn biến hàng năm) và có xu hướng xảy ra trong hoặc sau những hoạt động hoặc tư thế nhất định thì thường do nguyên nhân hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ. Thường sự chèn ép xảy ra ở một rễ thần kinh ở một bên của cột sống cổ.
Loại hẹp ống sống cổ này là do sự bào mòn hoặc những thay đổi liên quan tới sự lão hóa của diện khớp của cột sống cổ hoặc tại bao xơ của đĩa đệm. Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ này có thể được chẩn đoán bằng cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang.
Cũng như với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, điều trị hẹp lỗ liên hợp được bắt đầu bằng điều trị nội khoa (thuốc, vật lý trị liệu, tác động cột sống hoặc tiêm phong bế).
Nếu đau trở nên nghiêm trọng và kéo dài, hoặc mất/giảm chức năng của tay thì phẫu thuật sẽ được xem xét với mục đích là loại bỏ nguyên nhân chèn ép, làm rộng lỗ liên hợp.
Đau tay cùng với thiếu sự phối hợp động tác
Đau lan xuống tay, cùng với những triệu chứng như thiếu sự phối hợp động tác của tay và chân, khó khăn trong những động tác tinh tế (viết chữ, sử dụng đũa/thìa, cài cúc áo…) và đau thỉnh thoảng giật từng cơn là triệu chứng do bệnh lý chèn ép tủy cổ do hẹp ống sống cổ.
Những triệu chứng này thường tiến triển từ từ và nguyên nhân là thoát vị đĩa đệm hoặc do những thay đổi thoái hóa ở diện khớp làm chèn ép vào tủy cổ.
Điều trị bảo tồn chỉ có thể làm giảm sự đau lan xuống tay mạn tính. Phương pháp điều trị cuối cùng và cơ bản cho tình trạng này là phẫu thuật, với mục đích là làm giảm sự chèn ép vào tủy cổ, có thể giải ép đường trước hoặc giải ép đường sau.
Đau cổ dai dẳng và có thể thay đổi tăng hoặc giảm
Đau cổ đặc trưng bởi tình trạng đau ít kéo dài và đôi khi “bùng lên”; trở nên tồi đi, đau tăng ở những tư thế hoặc hoạt động nhất định và có thể kèm với đau tay thì có thể là những triệu chứng của bệnh thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ.
Những triệu chứng này thường tỷ lệ thuận với mức độ hoạt động của từng cá nhân: những người càng sử dụng vai, cổ và tay nhiều thì tổn thương thoái hóa càng dễ bị.
Đau cổ tăng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và ở cuối ngày làm việc
Một nghịch lý là có những bệnh nhân cảm thấy đau cột sống cổ khi họ ngủ dậy vào buổi sáng và cuối ngày làm việc. Nhưng họ lại cảm thấy tốt hơn hoặc hết đau cột sống cổ khi vận động cổ và những bệnh nhân này thích những ngày nắng, ấm hơn là những ngày âm u, mưa và lạnh. Tính chất của những triệu chứng này tương tự như đặc điểm của các triệu chứng ở những bệnh nhân viêm khớp háng hoặc khớp gối. Nó là do những thay đổi của hiện tượng viêm khớp của các khớp cột sống.
Sự thoái hóa ở lớp sụn của các khớp cột sống có thể tạo ra đau và có xu hướng xảy ra ở người già (trên 60 tuổi). Do cấu trúc của diện khớp cột sống là các bề mặt sụn trơn nhẵn trượt lên nhau, nhưng khi các lớp sụn này thoái hóa thì nó tạo nên nhiều ma sát và làm mất tầm vận động của cột sống. Thường sự ma sát này sinh ra nhiều nhất vào sáng sớm.
Đau cơ ở cổ
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng đau mỏi cổ. Các hoạt động hàng ngày như ngồi trên bàn làm việc trong nhiều giờ liền hoặc ngồi sai tư thế hay nâng vật nặng quá mức có thể gây căng hoặc co thắt cơ, khiến nhiều người cảm thấy mỏi cổ. Nếu vẫn tiếp diễn các hoạt động nêu trên, người bệnh có thể bị đau cổ mạn tính.
Những bài tập tầm vận động của cột sống, vật lý trị liệu, kéo giãn và tác động cột sống có thể giúp phục hồi tầm vận động và giảm đau cổ mạn tính.
Lời khuyên thầy thuốc
Chính vì thế nếu không muốn bị đau cổ, hay nặng hơn là thoái hóa đốt sống cổ, bạn cần tạo lập cho mình thói quen bảo vệ sức khỏe ngay tại nơi làm việc. Đó có thể chỉ là những động tác luyện tập đầu cổ hay nhún vai hết sức đơn giản, tránh tình trạng ngồi lì một chỗ quá lâu. Những bài tập vận động của cột sống, vật lý trị liệu, kéo giãn và tác động cột sống có thể giúp phục hồi tầm vận động và giảm đau cổ mạn tính. Với những trường hợp thoát vị đĩa đệm hoặc hẹp lỗ liên hợp gây ép vào rễ thần kinh ở cột sống cổ ảnh hưởng tới sinh hoạt và vận động, áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn (dùng thuốc, vật lý trị liệu và bấm huyệt, tác động cột sống hoặc tiêm phong bế). Nếu điều trị bảo tồn trong vòng 6 đến 12 tuần không đáp ứng, thì phẫu thuật sẽ được xem xét chỉ định.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Long