Ðiều trị rối loạn lipid máu không dùng thuốc
Lipid máu là gì?
Thành phần lipid chính trong máu gồm cholesterol tự do, cholesterol este, triglycerid (TG). Các thành phần lipid máu có vai trò quan trọng đối với hoạt động cơ thể như tham gia cấu trúc màng tế bào, tổng hợp các hormon có bản chất steroid, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, cơ thể cần một lượng nhất định các thành phần này, việc dư thừa các thành phần trên có thể dẫn đến sự gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nguyên nhân cho các bệnh lý tim mạch và đột qụy.
Làm thế nào để biết mình có rối loạn lipid máu không?
Bệnh nhân cần lấy máu để xác định nồng độ lipoprotein (dạng vận chuyển của lipid trong máu) huyết thanh. Bệnh nhân nên nhịn đói trước khi lấy máu 12 giờ. Tùy vào giá trị lipid máu đo được, người bệnh sẽ biết tình trạng rối loạn lipid máu của mình ở mức độ nào (xem bảng).
Khi nào có thể dùng biện pháp không dùng thuốc để điều trị rối loạn lipid máu?
Mục đích của điều trị rối loạn lipid máu là giảm cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol để ngăn chặn sự phát triển mảng xơ vữa mới trong mạch vành, làm ngừng tiến triển các mảng xơ vữa đã thành lập và làm tiêu biến các tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy điều trị bằng chế độ ăn uống và bằng thuốc làm giảm cholesterol máu đã làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch.
Bệnh nhân có cholesterol toàn phần ≥ 200 mg/dl (≥ 5.2 mmol/l) và nguy cơ tim mạch
Áp dụng biện pháp không dùng thuốc
Thay đổi chế độ ăn
Trước đây, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo chế độ ăn có calo thấp, chế độ ăn ít chất béo, nhưng giàu carbohydrat. Tuy nhiên chế độ ăn này đã dẫn đến tăng triglyceride và giảm thêm HDL. Do những lý do này, việc cải thiện chế độ ăn gần đây quan tâm đến việc giảm mỡ toàn phần, mỡ bão hòa và cholesterol, giảm lượng carbohydrat và tăng lượng protein đưa vào để đạt được thể trọng mong muốn và lipid huyết mục tiêu. Một nghiên cứu trên 63 bệnh nhân béo phì, cho thấy chế độ ăn giảm lượng carbohydrat đã giảm đáng kể cân nặng bệnh nhân trong 6 tháng đầu điều trị. Quá trình thực hiện như sau:
Tránh sử dụng:
Các thức ăn có mỡ bão hòa như mỡ động vật, sữa và dầu (dầu dừa, dầu cọ) hoặc các nguồn thực phẩm có acid béo bão hòa và acid béo dạng trans như bánh ngọt, khoai tây chiên, bắp rang.
Nên giảm năng lượng tiêu thụ từ chất béo xuống dưới 35% tổng năng lượng, chất béo bão hòa xuống dưới 7% tổng năng lượng, chất béo dạng trans xuống dưới 1% tổng năng lượng và cholesterol dưới 300mg/ngày.
Nên giảm lượng muối dưới 5g/ngày bằng cách tránh muối bột và hạn chế muối trong nấu ăn bằng cách chọn các loại thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đông lạnh không ướp muối, các loại thực phẩm đã chế biến và tiện lợi.
Đối với những người dùng đồ uống có cồn, nên uống vừa phải (dưới 10-20 g/ngày đối với nữ và dưới 20-30g/ngày đối với nam).
Nên hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm có đường, đặc biệt là nước ngọt, đối với bệnh nhân tăng triglycerid máu.
Nên tránh hút thuốc lá và tiếp xúc với sản phẩm thuốc lá.
Nên ăn:
Thịt nạc (thịt bò, thịt gà, vịt bỏ da, cá), sản phẩm sữa đã tách kem, mỡ không bão hòa (dầu oliu) hoặc thay thế bằng dầu cá chứa acid béo không bão hòa omega 3. Ăn nhiều trái cây, rau cải, dầu cá làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch.
Thay thế protein động vật bằng protein từ đậu nành cũng làm giảm LDL cholesterol và triglycerid.
Dầu cá chứa acid béo không bão hòa (omega-3) làm giảm nguy cơ tim mạch, dầu cá làm giảm rõ rệt triglycerid (30- 40%) và VLDL-cholesterol. Vì vậy, dầu cá được dùng để điều trị hỗ trợ bệnh tăng triglycerid máu không đáp ứng đầy đủ với các thuốc hạ triglycerid như niacin hoặc fibrat.
Tuy nhiên chế độ ăn kiêng mỡ không thể thay thế các chế độ điều trị tích cực khác vì nó không có tác dụng trên HDL-cholesterol và triglycerid. Bạn nên phối hợp thay đổi chế độ ăn với các hoạt động khác như:
Giảm cân và tăng các hoạt động thể lực
Lợi ích: Các nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn uống có xu hướng giảm cholesterol toàn phần, LDL- cholesterol, và triglyceride. Tập luyện, hoạt động thể lực giúp tăng HDL-cholesterol (cholesterol có lợi) và giảm triglyceride. Do vậy cần phối hợp cả việc thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể lực để đạt được mục tiêu điều trị tối ưu.
Tập luyện thể dục thường xuyên để phòng ngừa và điều trị rối loạn lipid máu.
Thực hiện: tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Thể dục thể thao đều đặn như các bài tập aerobic, chạy bộ, đạp xe,... sẽ giúp duy trì sức dẻo dai cho cơ thể. Mỗi ngày nên dành từ 30 phút đến 1 tiếng để luyện tập. Xây dựng thời khóa biểu cho việc luyện tập và cố gắng thực hiện đúng lịch trình đề ra.
Các biện pháp không dùng thuốc trên các giá trị lipid máu
Các biện pháp làm giảm cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol: Giảm chất béo bão hòa, chất béo dạng trans, cholestrol trong chế độ ăn, tăng chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu phytosterol, giảm trọng lượng thừa, sử dụng sản phẩm protein đậu nành, tăng hoạt động thể lực thường xuyên, sử dụng gạo men đỏ.
Các biện pháp làm giảm triglyceride máu: Giảm trọng lượng thừa, giảm uống rượu, tăng hoạt động thể lực, giảm lượng carbohdrat trong chế độ ăn, sử dụng acid béo omega-3, thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa.
Các biện pháp giúp tăng HDL-cholesterol: Giảm chất béo dạng trans trong chế độ ăn, tăng hoạt động thể lực thường xuyên, giảm trọng lượng thừa của cơ thể.
Những điều cần lưu ý
Bệnh nhân cần định kỳ đánh giá giá trị lipid máu để đánh giá hiệu quả của biện pháp can thiệp trên các giá trị lipid máu mục tiêu.
Cần cân nhắc điều trị bằng thuốc trên các bệnh nhân không đạt được giá trị lipid máu mục tiêu sau 3-6 tháng điều trị với biện pháp không dùng thuốc.
Cần lưu ý, 70% cholesterol trong cơ thể không do chế độ ăn cung cấp mà do gan tự tổng hợp từ nguồn nguyên liệu sẵn có acetyl coenzyme A ở gan. Do vậy việc cải thiện chế độ ăn chỉ giúp ích trên các bệnh nhân có mức tăng cholesterol ở mức độ nhẹ và trung bình.
Với bệnh nhân có rối loạn lipid máu ở mức trung bình và nặng nên phối hợp cả việc dùng thuốc với cải thiện chế độ ăn và luyện tập.
Không nên tuyệt đối kiêng mỡ hoàn toàn, do cơ thể vẫn cần cholesterol và triglycerid cho các hoạt động của cơ thể. Chỉ nên hạn chế các thức ăn này. Không nên lý tưởng hóa việc thay đổi chế độ ăn do đường chuyển hóa glucid, lipid và protid đều có thể chuyển hóa qua lại lẫn nhau, tạo thành sản phẩm cuối cùng là acetyl coA dự trữ ở gan. Trên thực tế các bệnh nhân ăn chay đều có thể có nguy cơ mắc rối loạn lipid máu tương tự bệnh nhân khác mặc dù có thể thấp hơn.
ThS. Nguyễn Thu Hằng