Lưu ý khi chăm sóc người mắc bệnh Alzheimer
Rối loạn giấc ngủ
Các rối loạn về giấc ngủ của người bệnh Alzheimer gây phiền toái cho cả người bệnh lẫn người chăm sóc. Để cải thiện tình trạng này: Cần thiết lập và duy trì thói quen, thời gian ăn, thức dậy và đi ngủ. Tránh các chất kích thích như rượu, chất caffein và nicotin. Đừng để người bệnh xem tivi ngay trước giờ đi ngủ. Khuyến khích người bệnh hoạt động thể chất (đi bộ, tập thể dục) để có giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm. Hạn chế ngủ ban ngày. Nếu người bệnh cần ngủ trưa, nên duy trì một giấc ngủ ngắn. Tạo môi trường ngủ thoải mái từ nhiệt độ đến ánh sáng và sự an toàn. Quản lý việc dùng thuốc vào những thời điểm thích hợp để không ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Nếu người bệnh thức dậy vào ban đêm, hãy giữ bình tĩnh, mặc dù bạn có thể mệt mỏi. Hãy nhẫn nại và nhẹ nhàng với người thân của mình, nhắc nhở họ về thời gian, giám sát người bệnh quay trở lại giấc ngủ.
Nếu các giải pháp thông thường không có tác dụng, có thể đề nghị bác sĩ cho thuốc ngủ. Nhưng việc dùng thuốc cũng có những tác dụng phụ nhất định và nên ngừng khi đã thiết lập được giấc ngủ.
Hình minh họa não của người bình thường và thoái hóa não trên người bệnh Alzheimer.
Lang thang, đi lạc
Alzheimer gây ra sự mất phương hướng, có thể dẫn đến khả năng đi lạc, đi lang thang. Biểu hiện này có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh Alzheimer, khá phổ biến ở người mắc bệnh. Vì nguy cơ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào với người bệnh, nên áp dụng các biện pháp sau:
Lưu ý khóa: Khóa cửa, cài chốt ngăn ngừa người bệnh rời nhà. Kiểm soát chỗ để chìa khóa, tốt nhất là tránh khỏi tầm mắt người bệnh.
Bảng ghi thông tin: Chuẩn bị sẵn những thông tin về họ tên người bệnh, địa chỉ nơi ở, số điện thoại người thân... để trong túi áo, đeo trên cổ, gắn trên vòng tay hoặc nơi nào đó thuận tiện, dễ tìm thấy, nhìn thấy... Có những thông tin này, người bệnh sẽ dễ dàng được đưa về gia đình hơn.
Giữ danh sách các số điện thoại khẩn cấp, một bức ảnh gần đây của người bệnh để dùng trong trường hợp cần phát thông tin tìm kiếm.
Sử dụng thiết bị GPS: Cân nhắc việc yêu cầu người thân mang theo thiết bị có gắn GPS hoặc thiết bị theo dõi khác có thể gửi thông báo điện tử về vị trí của họ. Điều này sẽ dễ dàng hơn cho việc xác định vị trí của người bệnh.
Đối phó với những thách thức sinh hoạt hàng ngày
Bệnh Alzheimer thường làm cho các hoạt động thường nhật hàng ngày trở thành một thử thách. Hãy giúp đỡ nhưng đảm bảo sự riêng tư hết mức có thể cho người bệnh. Trong quá trình giúp đỡ người bệnh cần kiên nhẫn giải thích và nhắc nhở từng bước trong các hoạt động đó. Ví dụ khi mặc quần áo, khi ăn...
Sử dụng các thiết bị, đồ dùng dễ dàng hơn cho người bệnh, ví dụ quần áo không nên phức tạp, tùy theo sở thích của người bệnh mà lựa chọn vài bộ đồ giống nhau để giảm bớt phải lựa chọn nhiều. Chọn giày lười thay cho giày buộc dây. Chọn đồ chui đầu, cạp chun thay cho cài cúc hay kéo khóa...
Người bệnh Alzheimer có thể mất cảm giác về đói hoặc khát. Do đó, người chăm sóc phải lập thời gian biểu cho hoạt động này và tuân thủ đúng giờ. Nên chọn đồ dễ ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng, tránh phân tâm trong khi ăn.
Mất kiểm soát đại, tiểu tiện: Khi bệnh Alzheimer tiến triển, thường xảy ra tình trạng không kiểm soát được đại, tiểu tiện. Để giúp đỡ người bệnh, cần làm cho việc đi vệ sinh được dễ dàng như trang phục thoải mái dễ cởi, phòng vệ sinh dễ tìm, dễ nhận biết. Chú ý các dấu hiệu thường gặp khi người bệnh muốn đi vệ sinh để trợ giúp kịp thời. Đừng chờ người bệnh hỏi, xem xét đưa người bệnh vào phòng vệ sinh một cách thường xuyên, dù họ có yêu cầu hay không. Nếu sử dụng quần tã, bỉm nên cân nhắc xem xét tới lòng tự trọng của người bệnh, không nên ép buộc thô bạo.
Không bao giờ để người bệnh tắm mà không có sự kiểm soát an toàn.
Khó khăn trong giao tiếp
Vì thoái hóa não tiến triển, bệnh Alzheimer dần dần làm giảm khả năng giao tiếp của người bệnh. Người bệnh khó khăn trong thể hiện ngôn ngữ, thậm chí mất ngôn ngữ, ngược lại, cũng gặp khó khăn khi nghe hiểu lời nói của người khác. Mặc dù có những thách thức, bạn có thể giao tiếp hiệu quả với những người bệnh Alzheimer bằng những nguyên tắc sau:
Kiên nhẫn: Lắng nghe và cố gắng hiểu. Đừng ngắt lời. Giữ giọng nói nhẹ nhàng. Cầm tay người bệnh trong khi nói. Thể hiện sự tôn trọng. Tránh những yếu tố làm “nhiễu” sự giao tiếp của hai bên.
Đơn giản: Dùng cách nói đơn giản, câu ngắn. Khi bệnh tiến triển, hãy đặt câu hỏi yêu cầu câu trả lời có hoặc không (gật đầu hoặc lắc đầu). Chia nhỏ các yêu cầu thành từng bước.
Thoải mái: Nếu người bệnh Alzheimer gặp khó khăn trong giao tiếp, hãy khuyến khích người đó tiếp tục giải thích những gì người đó đang nghĩ.
Sử dụng các tín hiệu trực quan thay cho ngôn ngữ: Thay vì yêu cầu người bệnh đi vệ sinh, có thể đưa họ vào nhà vệ sinh và chỉ vào đó.
Tránh phê bình, sửa chữa và tranh cãi: Thay vì vậy, hãy cố gắng tìm ra ý nghĩa của những gì người đó đang nói. Chớ kích động, không tranh cãi với người bệnh.
Giao tiếp với người mắc bệnh Alzheimer có thể là một thách thức, đặc biệt khi bệnh tiến triển. Hãy nhớ rằng, người chăm sóc cần thật sự kiên nhẫn và hiểu biết để giúp người bệnh cảm thấy an toàn và được an toàn.
BS. Nguyễn Thanh Phúc