Vì sao chúng ta thường bị “cước” khi trời lạnh?
Khi phải tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, máu sẽ dồn về các vùng bị lạnh cóng này nhằm làm ấm và nuôi dưỡng những vùng da này, khiến các vùng da này trở nên ửng đỏ... Nếu chỉ bị đỏ đơn thuần do lạnh, khi vào chỗ ấm da sẽ trở lại bình thường thì không đáng ngại. Nhưng nếu khi ra lạnh, bị đỏ và tím các đầu ngón tay, ngón chân, tê buốt nhiều có thể là biểu hiện của hội chứng Raynaud hay một số bệnh hệ thống như lupus ban đỏ, xơ cứng bì... thì cần phải đi khám và điều trị bệnh ngay.
Cần làm gì khi bị đỏ da?
Nếu bạn thường xuyên bị đỏ da mỗi khi đi ra trời lạnh cần có các biện pháp ủ ấm, quàng khăn, đội mũ, đeo khẩu trang, đi găng tay... để hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của da với không khí lạnh. Dùng tay xoa nóng các vùng bị giá lạnh, nếu có điều kiện sưởi ấm toàn bộ cơ thể giúp những vùng da này dần dần trở về trạng thái bình thường.
Có thể bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng vừa có tác dụng dưỡng ẩm, tránh tác hại của tia cực tím, vừa bảo vệ da tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.
Nếu kèm theo đỏ da là tình trạng ngứa da thì cần dùng thuốc kháng histamin, nên dùng chống dị ứng thế hệ hai như fexofenadin, cetirizin, loratadin... để hạn chế gây buồn ngủ. Không nên chà xát, gãi những vùng da bị ửng đỏ gây trầy xước làm tổn thương thêm, dễ dẫn đến bội nhiễm. Không nên tự ý bôi thuốc, cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị đúng cách nếu tình trạng nặng hơn.
Dùng lá bạc hà cũng có tác dụng hạn chế đỏ da do lạnh.
Phòng ngừa đỏ da do lạnh
Ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung vitamin, khoáng chất có tác dụng làm mềm da, duy trì độ ẩm và sự đàn hồi cho da. Khi ra ngoài trời lạnh hoặc phải làm việc trong môi trường lạnh cần đeo khẩu trang, găng tay, đi tất, ủng... để giữ ấm và bảo vệ da. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp chân tay với nước lạnh và các hóa chất tẩy rửa. Hàng ngày, trước khi đi ngủ nên ngâm chân, tay bằng nước muối ấm thêm vài lát gừng. Ngâm khoảng 15 phút sẽ giúp lưu thông máu và làm ấm cơ thể. Sau đó, lau khô chân và đi tất để giữ chân luôn ấm. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau cũng giúp tình trạng đỏ da thoái lui dần khi gặp lạnh:
Bạc hà: Sử dụng lá bạc hà, bởi chúng có đặc tính kháng viêm. Trước tiên, hãy cho lá bạc hà vào một chiếc bát nhỏ và giã nát. Tiếp theo, lấy phần lá đã nghiền nát và nước bạc hà tiết ra để đắp lên vùng da mặt bị ửng đỏ. Để như vậy trong khoảng 5 phút và rửa sạch mặt với nước lạnh.
Trà hoa cúc: Hãy bỏ 3 túi trà hoa cúc vào 3 cốc nước sôi và để trà ngấm trong khoảng 10 phút, sau đó lấy túi trà ra. Bạn cũng nên để nước nguội bớt trước khi sử dụng, thông thường là sau khoảng 15 phút rồi lấy một chiếc khăn nhúng vào nước trà. Áp trực tiếp lên vùng da bị đỏ, sau đó rửa mặt sạch bằng nước ấm.
Nha đam: Nha đam là một trong những biện pháp tốt nhất để thoát khỏi chứng da mặt ửng đỏ, vì nước nha đam có rất nhiều lợi ích đối với làn da. Hãy lấy một chiếc lá nha đam và cắt bỏ phần đầu. Sau đó tách phần nhựa bên trong lá và đặt vào tủ lạnh. Để khoảng 5 phút rồi thoa trực tiếp dung dịch này lên mặt.
BS. Duy Hưng