Xử lý đốm trắng trên răng
Nguyên nhân của chấm trắng trên răng
Các tổn thương dạng đốm trắng là những dấu hiệu sớm của sự hủy khoáng ở bên dưới bề mặt men răng, chúng cũng có thể dẫn tới sự phát triển của sâu răng. Sự mất lớp khoáng hóa sẽ tạo nên bề mặt xốp, làm thay đổi phản xạ bình thường của lớp men, được đặc trưng bởi những mảng trắng hoặc cản quang, các tổn thương này có thể xuất hiện ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân.
Tình trạng vệ sinh răng miệng kém, tích tụ nhiều mảng bám, chế độ ăn uống với hàm lượng đường, acid cao cũng gây ra hiện tượng này (đặc biệt ở những người uống nhiều nước có gas, soda hoặc ăn nhiều hoa quả có hàm lượng acid cao).
Phương pháp điều trị
Điều trị cho tình trạng đốm trắng trên răng phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng răng của từng người. Thông thường, hướng xử trí đầu tiên để loại bỏ chấm trắng đó là tái khoáng hóa men răng. Có thể áp dụng fluoride tại chỗ cho răng của những người bị giảm men răng. Điều này có thể khuyến khích sự phát triển của men răng và giúp ngăn ngừa sâu răng.
Nước ngọt có gas có thể gây hại cho men răng.
Nếu như cách này không thật sự hiệu quả, tẩy trắng răng sẽ được cân nhắc nhưng cần phải tẩy lại sau một thời gian. Các xử trí can thiệp sâu hơn để loại bỏ các đốm trắng bao gồm vi mài mòn, hàn phủ hoặc dán mặt răng sứ Veneer. Veneer nha khoa là lớp phủ mỏng, bảo vệ gắn vào bề mặt trước của răng. Chúng có thể che giấu các đốm trắng và các nhược điểm khác rất hiệu quả.Đối với những người bị giảm men răng, có thể sử dụng một kĩ thuật can thiệp tối thiểu lên bề mặt các đốm trắng bằng cách thâm nhập vào tổ chức sâu, kết nối các khoảng hở, bằng cách lấp và gia cố hệ thống tại vị trí của các đốm trắng bằng nhựa quang trùng hợp. Sau khi thâm nhập, các tổn thương sẽ mất dần màu trắng đục và màu sẽ tương tự như các cấu trúc răng xung quanh. Nếu bệnh nhân từng được điều trị nắn chỉnh răng với mắc cài, vệ sinh răng miệng kém hoặc tiếp xúc với nồng độ acid cao, kỹ thuật thẩm thấu là một sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên, kĩ thuật này không được chỉ định cho những bệnh nhân bị nhiễm màu răng do fluor, tetracycline, thiểu sản men răng, kém khoáng hóa, mòn răng hóa học hoặc chấn thương răng. Nó cũng không thích hợp đối với các tổn thương ở men đã hình thành lỗ sâu hoặc ở vùng cổ răng bị lộ ngà hoặc chỉ còn lớp men mỏng.
Phòng ngừa đốm trắng trên răng
Thực hành vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp ngăn ngừa các đốm trắng, đốm nâu trên răng, sâu răng, bệnh nướu răng hoặc các vấn đề nha khoa khác. Nên chải hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluoride và dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn để làm sạch răng. Thực hiện theo các hướng dẫn dưới đây có thể giúp ngăn ngừa các đốm trắng phát triển trên răng từ sớm:
Sử dụng đúng lượng kem đánh răng: Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, không sử dụng nhiều hơn một lượng bằng cỡ hạt gạo trên bàn chải đánh răng. Đối với trẻ trên 3 tuổi, không sử dụng nhiều hơn một lượng kem đánh răng cỡ hạt đậu. Trẻ nhỏ dễ nuốt phải một lượng kem đánh răng, do đó cần giám sát lượng kem và trẻ khi đánh răng để đảm bảo chúng không tiếp xúc với quá nhiều fluoride.
Giảm thức ăn và đồ uống có đường và axit: Men răng có thể bị hư hại và nguy cơ sâu răng tăng lên bởi một số thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là những loại có nhiều đường hoặc axit. Thực phẩm và đồ uống cần lưu ý bao gồm: nước cam và trái cây ép, kẹo cứng và đồ ngọt có đường khác, nước uống có gas, nước tăng lực, bao gồm cả đồ uống thể thao. Mặc dù thỉnh thoảng ăn những thực phẩm và đồ uống này có thể vô hại, nhưng ăn hoặc uống quá nhiều có thể dẫn đến đốm trắng trên răng và một số ảnh hưởng không tốt khác. Để giảm bớt thiệt hại, có thể dùng ống hút khi uống các loại đồ uống này, uống nước và đánh răng sau khi ăn uống các thực phẩm này.
Khi nào nên gặp nha sĩ?
Mặc dù các đốm trắng trên răng có thể ít ảnh hưởng và không gây lo ngại. Tuy nhiên, những người bị giảm men răng có thể tăng nguy cơ tổn thương và sâu răng.Nếu nhận thấy rằng các đốm trắng trên răng tăng kích thước hoặc nhiều hơn, hoặc bắt đầu bị đau răng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa răng.
BS. Hoàng Bách